Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá BĐS tăng liên tục. Chính vì vậy, bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất ngay cả trong khủng hoảng do dịch covid-19.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, biểu đồ giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần đều, dù có gãy sóng ở một số giai đoạn nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu trong 16 năm qua, giá bất động sản tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tăng 27 lần, tại Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh tăng 22 lần, trong khi giá vàng chỉ tăng hơn 5 lần.
Theo các chuyên gia, giá nhà đất tại Việt Nam tăng liên tục là bởi “truyền thống” tích trữ tài sản của người dân. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam trung bình lên đến gần 50% thu nhập, gấp đôi so với phần lớn quốc gia khác. Trong đó, một tỷ lệ tiết kiệm rất lớn dùng để tích trữ tài sản là bất động sản và chi tiêu cho nhà ở dẫn đến giá nhà ở đây rất cao.
Ông Dương Đức Hiển – Nguyên Giám đốc bộ phận kinh doanh Savills Việt Nam đánh giá: “Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá BĐS chưa một lần giảm. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn. Chỉ tiếc rằng, tâm lý của nhà đầu tư Việt hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ bất động sản thì phải đầu tư dài hạn”.
Cùng quan điểm với ông Hiển, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng cho biết bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng, ngay cả trong khủng hoảng. Điều nay đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008-2011. Chính vì vậy, chúng ta có thể thấy, dù hiện nay dịch covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh tế nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư BĐS âm thầm mua đất giữ tiền.
Mới đây, báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng khẳng định chính vì nhu cầu ở thực của người dân hiện nay đang rất lớn nên hoạt động mua bán nhà vẫn đang diễn ra, bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Trao đổi với chúng tôi, chị Tuyết Minh một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: “Hiện nay, so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm bất động sản vẫn hấp dẫn hơn cả. Tôi chủ yếu quan tâm đến căn hộ chung cư hay đất nền các quận, huyện vùng ven Hà Nội và xác định đầu tư dài hạn 1-3 năm. Theo tôi, đây là những phân khúc đầu tư khá an toàn trong thời điểm hiện tại, vừa có giá trị đầu tư vừa có giá trị sử dụng, cho thuê và tích trữ tài sản”.
Đánh giá về tâm lý của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, hiện nay không vì thị trường khó khăn mà nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Dòng tiền của nhà đầu tư có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Nhưng, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực BĐS lâu năm thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Thực tế, trên thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm BĐS ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp, các dự án có pháp lý rõ ràng, thiết kế theo tiêu chuẩn cao cấp. Tuy giao dịch có chững hơn so với thời điểm trước dịch nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mua ra, bán vào với biên độ lợi nhuận khá ổn ở giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay.
Cùng quan điểm với ông Khương, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, nhìn ở góc độ tích cực thì nhiều người sẽ mua được nhà với giá hợp lý trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư cũng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng cho giỏ hàng của mình. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường!. Hay nói như cách của nhà đầu tư đại tài Warren Buffett, khi thị trường sợ hãi thì chính là cơ hội cho những người biết nắm bắt.